Binh lực và kế hoạch Chiến_dịch_Vitebsk-Orsha

Quân đội Liên Xô

Binh lực

Tham gia chiến dịch Vitebsk-Orsha là hai phương diện quân Baltic 1 và Byelorussia 3, nằm dưới sự chỉ đạo của Đại diện Đại bản doanh, Nguyên soái A. M. Vasilevsky

  • Phương diện quân Baltic 1 do Đại tướng I. Kh. Bagramyanlàm tư lệnh, trung tướng V. V. Kurasov làm tham mưu trưởng, với tổng binh lực gồm 359.000 người, 687 xe tăng và pháo tự hành, 4.900 đại bác và súng cối.
    • Tập đoàn quân xung kích 4 do trung tướng P. F. Malyshyev chỉ huy. Trong biên chế có 7 sư đoàn và 1 lữ đoàn bộ binh, 1 lữ đoàn và 3 trung đoàn pháo và súng cối, 3 trung đoàn phòng không, 1 lữ đoàn cơ giới và 1 tiểu đoàn xe tăng độc lập.
    • Tập đoàn quân cận vệ 6 do trung tướng I. M. Chistyakov chỉ huy. Trong biên chế có 9 sư đoàn bộ binh; 3 sư đoàn, 1 lữ đoàn và 7 trung đoàn pháo và súng cối; 2 sư đoàn và 1 trung đoàn phòng không; 2 lữ đoàn và 3 trung đoàn xe tăng; 2 trung đoàn pháo tự hành.
    • Tập đoàn quân 43 do trung tướng A. P. Beloborodov chỉ huy. Trong biên chế có 8 sư đoàn bộ binh; 3 lữ đoàn và 3 trung đoàn pháo, 1 lữ đoàn và 1 trung đoàn súng cối; 1 sư đoàn và 2 trung đoàn phòng không; 2 lữ đoàn và 1 trung đoàn xe tăng; 2 trung đoàn pháo tự hành và 1 trung đoàn xe bọc thép.
    • Quân đoàn xe tăng 1 do trung tướng xe tăng V. V. Butkov chỉ huy. Trong biên chế có 3 lữ đoàn xe tăng; 1 lữ đoàn cơ giới; 2 trung đoàn pháo tự hành; 2 các tiểu đoàn cơ giới; 1 trung đoàn súng cối và 1 trung đoàn phòng không.
    • Tập đoàn quân không quân 3 do trung tướng không quân N. F. Papivin chỉ huy. Trong biên chế có 3 sư đoàn và 1 trung đoàn tiêm kích, 3 trung đoàn cường kích, 1 sư đoàn và 2 trung đoàn nám bom.
  • Phương diện quân Byelorussia 3 do Đại tướng I. D. Chernyakhovsky làm tư lệnh, trung tướng A. P. Pokrovskiy làm tham mưu trưởng, với tổng binh lực gồm 579.000 người, 1.169 xe tăng, 641 pháo tự hành, 8.412 đại bác và súng cối, 689 khẩu đội pháo phản lực Katyusha, 1.864 máy bay
    • Tập đoàn quân 5 do trung tướng N. I. Krylov chỉ huy. Trong biên chế có 9 sư đoàn bộ binh; 6 lữ đoàn và 1 trung đoàn pháo; 1 lữ đoàn và 2 trung đoàn súng cối; 1 lữ đoàn Katyusha; 5 trung đoàn phòng không; 2 lữ đoàn và 1 trung đoàn xe tăng; 5 trung đoàn pháo tự hành.
    • Tập đoàn quân cận vệ 11 do trung tướng K. N. Galitskiy chỉ huy. Trong biên chế có 9 sư đoàn bộ binh; 2 lữ đoàn và 6 trung đoàn pháo; 1 sư đoàn và 5 trung đoàn súng cối; 1 lữ đoàn và 3 trung đoàn Katyusha; 2 sư đoàn và 2 trung đoàn phòng không; 4 lữ đoàn và 4 trung đoàn xe tăng; 1 lữ đoàn cơ giới; 5 trung đoàn pháo tự hành.
    • Tập đoàn quân 31 do trung tướng V. A. Gluzdovsky chỉ huy. Trong biên chế có 9 sư đoàn bộ binh; 2 lữ đoàn và 4 trung đoàn pháo; 2 trung đoàn súng cối; 1 sư đoàn và 3 trung đoàn phòng không; 1 lữ đoàn xe tăng và 4 trung đoàn pháo tự hành.
    • Tập đoàn quân 39 do trung tướng I. I. Lyudnikov chỉ huy. Binh lực gồm 7 sư đoàn bộ binh; 1 lữ đoàn và 1 trung đoàn pháo; 2 trung đoàn súng cối; 1 trung đoàn phòng không; 1 lữ đoàn xe tăng và 2 trung đoàn pháo tự hành.
    • Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 do thượng tướng xe tăng P. A. Rotmistrov chỉ huy. Trong biên chế có 6 lữ đoàn và 1 trung đoàn xe tăng, 2 lữ đoàn và 1 trung đoàn cơ giới; 6 trung đoàn pháo tự hành; 1 trung đoàn mô tô; 4 trung đoàn pháo, 3 trung đoàn súng cối, 2 trung đoàn phòng không và 1 trung đoàn không quân.
    • Quân đoàn xe tăng cận vệ 2 "Tatsinskaya" do thiếu tướng A. S. Burdeyniy chỉ huy. Trong biên chế có 3 lữ đoàn và 1 trung đoàn xe tăng; 1 lữ đoàn cơ giới; 2 trung đoàn pháo tự hành; 1 trung đoàn pháo, 1 trung đoàn súng cối, 1 trung đoàn phòng không.
    • Cụm kỵ binh cơ giới hóa do trung tướng N. S. Oslikovsky chỉ huy, gồm có:
      • Quân đoàn cơ giới cận vệ 3 "Stalingrad" do trung tướng V. T. Obukhov chỉ huy. Trong biên chế có 3 lữ đoàn và 1 tiểu đoàn cơ giới; 1 lữ đoàn và 1 tiểu đoàn xe tăng; 3 trung đoàn và 1 tiểu đoàn pháo tự hành; 1 trung đoàn bộ binh mô tô; 2 trung đoàn súng cối; 1 trung đoàn phòng không.
      • Quân đoàn kỵ binh cận vệ 3 gồm 3 sư đoàn kỵ binh; 2 trung đoàn pháo tự hành, 1 tiểu đoàn trinh sát cơ giới, 1 trung đoàn và 1 tiểu đoàn súng cối, 1 trung đoàn phòng không.
    • Tập đoàn quân không quân 1 do trung tướng không quân M. M. Gromov chỉ huy. Trong biên chế có 8 sư đoàn tiêm kích; 4 trung đoàn cường kích và 6 sư đoàn ném bom.

Kế hoạch

Sơ đồ bố trí binh lực và các hướng tấn công chính của Quân đội Liên Xô trong Chiến dịch Vitebsk-Orsha

Theo khung kế hoạch chung của chiến dịch Bagration, Phương diện quân Baltic 1 sẽ tấn công vào Polotsk, Glubokoye, Švenčionys và tiến ra Šiauliai, cắt đứt cụm Tập đoàn quân Bắc khỏi cụm Tập đoàn quân Trung tâm và tiến tới bờ biển Baltic tại Klaipeda. Trong khi đó, Phương diện quân Byelorussia 3 sau khi thạnh toán xong mục tiêu Vitebsk-Orsha sẽ thọc vào Borisov, tới Minsk, Molodechno (Maladzyechna), Vilnius, Kaunas, Lida Grodno và áp sát biên giới Đông Phổ.[8] Tuy nhiên trong giai đoạn đầu tiên của chiến dịch, hai phương diện quân này có nhiệm vụ phối hợp thanh toán quân Đức tại Vitebsk và sau đó phát triển tấn công về hướng Tây, đồng thời làm nhiệm vụ che sườn cho cánh trái của quân đội Liên Xô tại khu vực này trước các đòn phản kích mà quân Đức ở Minsk và Borisov có thể tung ra[9].

Để bảo đảm cho hướng tấn công trọng yếu này có được tốc độ đột kích nhanh chóng, STAVKA điều động Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 của tướng P. A. Rotmistrov từ Phương diện quân Ukraina 2 đến Phương diện quân Byelorussia 3. Tuy nhiên, Trong quá trình điều động, Bộ Tổng tham mưu thấy đại tướng I. S. Konev, Tư lệnh Phương diện quân Ukraina 2 muốn giữ lại một phần xe tăng và các trung đoàn pháo tự hành cho mình. Sự việc được báo cáo lên Đại bản doanh và ngày 25 tháng 5, tướng I. S. Konev nhận được bức điện ngắn gọn nhưng nghiêm khắc của I. V. Stalin:

Việc điều Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 đi thì phải có đủ trong biên chế quân đoàn của Vovtsenko và quân đoàn của Kiritsenko với toàn bộ số người, khí tài và tài sản vật chất khác. Cả hai quân đoàn đều phải có ít nhất 300 xe tăng
— Semyonov[10][11]

Và tướng I. S. Konev đã phải chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh này. Ngày 12 tháng 6, Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 đã tập kết tại Rudnya, nơi đóng Sở chỉ huy tiền phương của Phương diện quân Byelorussia 3.[12]

Ban đầu, Bộ Tổng tham mưu Liên Xô cho rằng hướng đột kích nhanh nhất đến Minsk là hướng Orsha - Borisov. Tuy nhiên, khi nghiên cứu thế bố trí của Tập đoàn quân xe tăng 3 và Tập đoàn quân 4 (Đức), trinh sát Phương diện quân Byelorussia 3 nhận thấy các đơn vị xe tăng và cơ giới mạnh của quân Đức đều tập trung tại hai cụm cứ điểm Vitebsk và Orsha. Quân đoàn xe tăng 39 đóng tại Minsk và vùng phụ cận. Điểm yếu trên tuyến phòng thủ của quân Đức nằm tại khu vực từ Shalatino đến Bogushevsk, trên thượng nguồn sông Luchetsa, chỗ tiếp giáp giữa Quân đoàn bộ binh 6 của Tập đoàn quân xe tăng 3 và Quân đoàn bộ binh 27 của Tập đoàn quân 4 (Đức). Tuyến phòng ngự tại phía Bắc Orsha từ 20 đến 40 km này mỏng yếu hơn các khu vực xung quanh Orsha và Vitebsk. Đặc biệt, từ Minsk, Quân đoàn xe tăng 39 (Đức) có thể cơ động lực lượng chặn đánh đòn đột kích trực diện của Phương diện quân Byelorussia 3 vào Orsha. Do đó, ngày 17 tháng 6, Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh Tối cao Liên Xô quyết định chọn hướng đột kích cho Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 và Quân đoàn xe tăng cận vệ 2 "Tatinskaya" ở dải tấn công của Tập đoàn quân 5. Mặc dù phải vượt sông Luchetsa nhưng hướng đột kích này sẽ tạo thế chia cắt và bất ngờ thọc sâu vào Minsk, "cái lõi" của hệ thống phòng thủ của quân Đức tại Byelorussia, vô hiệu hóa một chuỗi các chốt "trì hoãn chiến" của quân Đức dọc theo đường cao tốc Minsk - Orsha.[11]

Theo chỉ thị ngày 31 tháng 5 năm 1944, Phương diện quân Byelorussia 3 sẽ phải đánh bại cụm quân Đức ở Vitebsk-Orsha bằng hai mũi tấn công chính. Mũi thứ nhất do Tập đoàn quân số 39 và 5 tại Vitebsk phối hợp với tập đoàn quân số 43 và tập đoàn quân cận vệ số 6 của Phương diện quân Baltic 1 đánh theo hướng Beshenkovichi - mục đích là tiêu diệt quân Đức ở Vitebsk.[8] Mũi thứ hai do Tập đoàn quân số 31 và Tập đoàn quân cận vệ số 1 nhằm chọc thủng phòng tuyến ở Orsha và đột phá theo tuyến đường bộ Minsk trên hướng Borisov[1]. Các lực lượng kỵ binh và xe tăng của Phương diện quân sẽ được tung vào hướng Borisov để khai thác chiến quả[8], còn tập đoàn quân xung kích số 4 sẽ tiến về hướng Polotsk[1].

Quân đội Đức Quốc xã

Binh lực

  • Cánh Bắc của Cụm Tập đoàn quân Trung tâm (tư lệnh: thống chế Ernst Busch, tham mưu trưởng: trung tướng bộ binh Hans Krebs)
    • Tập đoàn quân xe tăng 3 do thượng tướng Georg-Hans Reinhardt chỉ huy, bỗ trí phòng thủ từ Sirotinsk đến Bayevo. Thành phần gồm có:
      • Quân đoàn bộ binh 6 của tướng Georg Pfeiffer bố trí làm hai tuyến. Tuyến 1 gồm Sư đoàn bộ binh 256 đóng ở Shalatino, Sư đoàn cơ giới 14 đóng ở Vitebsk. Tuyến 2 gồm Sư đoàn bộ binh 197 đóng ở Senno, Sư đoàn bộ binh 299 đóng ở Bogushevsk.
      • Quân đoàn bộ binh 9 của tướng Rolf Wuthmann bố trí trên cánh cực Bắc của Tập đoàn quân. Sư đoàn bộ binh 95 đóng tại khu vực Shumilino. Sư đoàn bộ binh 252 đóng tại khu vực Sirotinsk.
      • Quân đoàn bộ binh 53 của tướng Friedrich Gollwitzer giữ vai trò chủ chốt trong hệ thống phòng thủ của tập đoàn quân. Các sư đoàn đổ bộ đường không 4, 6 và Sư đoàn bộ binh 206 được bố trí tại khu vực Vitebsk. Sư đoàn bộ binh 246 bố trí tại khu vực Gnedilovichi, phía Tây Nam Vitebsk, đóng vai trò lực lượng dự bị tuyến 2.
    • Tập đoàn quân 4 do trung tướng bộ binh Kurt von Tippelskirch chỉ huy. Tham gia chiến dịch có:
      • Quân đoàn bộ binh 27 của tướng Paul Völckers đóng trên cánh Bắc của tập đoàn quân, bố trí phòng thủ từ Shalatino tới Bayevo và khu vực đầu mối đường sắt Orsha. Sư đoàn bộ binh xung kích 78 đóng tại khu vực Gorky. Sư đoàn cơ giới 25 đóng tại khu vực Orsha.
      • Quân đoàn xe tăng xe tăng 39 của tướng Robert Martinek đóng vai trò thê đội phòng ngự cơ động tại khu vực phía Đông Minsk và trong thành phố. Sư đoàn xe tăng 7 được tại Minsk. Sư đoàn xe tăng 18 bố trí tại Smolevichi.
    • Một phần của Tập đoàn quân không quân số 6 do thượng tướng Robert Ritter von Greim chỉ huy.
  • Cánh Nam của Cụm Tập đoàn quân Bắc (tư lệnh: thượng tướng George Lindemann, tham mưu trưởng: trung tướng bộ binh Eberhard Kinzel)
    • Tập đoàn quân số 16 do trung tướng pháo binh Christian Hansen chỉ huy. Tham gia chiến dịch có Quân đoàn bộ binh 1 của Trung tướng Carl Hilpert, bố trí phòng thủ trên địa đoạn từ hồ Nesherla đến Sirotino với trung tâm phòng ngự tại Polotsk, gồm các sư đoàn bộ binh 87, 205 và Sư đoàn cảnh vệ 281.
    • Một phần của Tập đoàn quân không quân số 1 do trung tướng không quân Kurt Pflugbeil chỉ huy.

Kế hoạch

Với quyết tâm giữ vững "Ban công Byelorussia", địa đoạn quan trọng ở phía Bắc phòng tuyến Panther Wotan, Adolf Hitler tuyên bố:

Tất cả các thành phố Minsk, Vitebsk, Orsha, Mogilev, Bobruisk, Borisov là các pháo đài phòng thủ cứng rắn
— A. Hitler.

Lời tuyên bố đó được hiểu là quân đội Đức Quốc xã sẽ phải giữ được những khu vực phòng thủ đó bằng bất cứ giá nào.[13]

Thống chế Ernst Busch bố trí dải phòng ngự chính của Tập đoàn quân Trung tâm trên cánh Bắc từ Sirotino vòng qua Vitebsk, chạy dọc sông Luchetsa qua Orsha, nối với tuyến sông Pronya qua Mogilev, Rogachev (Rahachow), Zlobin ở phía Nam. Hai cụm quân mạnh nhất gồm Quân đoàn bộ binh 53 và Quân đoàn bộ binh 27 được bố trí ở Vitebsk và dọc theo con đường cao tốc Moskva - Minsk qua Orsha. Các quân đoàn còn lại đều có các cụm phòng ngự cấp sư đoàn và trung đoàn, các chốt phòng ngự cấp tiểu đoàn và đại đội. Dải phòng ngự thứ hai được bố trí từ Ushachi rồi chạy dọc theo sông Berezina qua hồ Palik, Borisov, Chernyavka (???), Berezino (Byerazino); nối với tuyến phòng ngự thứ hai của Tập đoàn quân 9 ở Svisloch, chạy dọc theo sông Berezina xuống Bobruisk (Babruysk) và kết thúc ở Parichi (Parycy). Phía sau các đơn vị này là một lực lượng dự bị trực tiếp khá mạnh gồm Quân đoàn xe tăng 39 và các đơn vị tăng cường. Trong quá trình tác chiến, tướng Georg-Hans Reinhardt có thể trông cậy vào các lực lượng dự bị tuyến 2 của Cụm tập đoàn quân A đóng ở Đông Phổ và Ba Lan kéo sang.[13]